Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye Vụ kiện đảo Palmas

Max Huber, trọng tài viên duy nhất trong Vụ kiện Đảo Palmas.
(Nguồn: www.redcross.int)

Trọng tài viên duy nhất của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, ông Max Huber, luật gia người Thụy Sĩ đã đưa ra kết luận sau khi xem xét lập luận và chứng cứ của các bên:

Về quan điểm Hoa Kỳ

Trọng tài Max Huber thừa nhận rằng Tây Ban Nha đã phát hiện ra đảo Palmas trước.[13] Nhưng ít nhất là từ thế kỷ XIX, theo Max Huber, pháp luật quốc tế đã không còn thừa nhận việc phát hiện ra trước là cơ sở để phát hiện chủ quyền lãnh thổ.[9] Việc phát hiện ra trước một vùng lãnh thổ chỉ đem lại cho quốc gia đã phát hiện ra lãnh thổ một danh nghĩa chưa hoàn chỉnh (danh nghĩa phôi thai hay là danh nghĩa ban đầu). Muốn xác định chủ quyền lãnh thổ, quốc gia đã phát hiện ra lãnh thổ đó phải bổ sung danh nghĩa chưa hoàn chỉnh nói trên bằng việc chiếm hữu thật sự trong một thời hạn hợp lý. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy có dấu hiệu gì về hoạt động của Tây Ban Nha trên đảo Palmas.[14] Cũng không có một tài liệu chính thức nào nói rằng đảo Palmas thuộc quyền quản lý hành chính và tư pháp của một cơ quan chính quyền địa phương của Philippines. Trọng tài Max Huber cũng lập luận đúng là bản đồ đính theo Hiệp ước Paris năm 1898 cũng thể hiện đảo Palmas nằm trong lãnh thổ Philippines, nhưng Hiệp ước Paris không thể đem lại chủ quyền cho Hoa Kỳ nếu như Tây Ban Nha không có quyền đó:

Tây Ban Nha không thể chuyển giao cho Hoa Kỳ hơn các quyền mà bản thân mình có.[15]

Tiếp theo, liên quan đến sự im lặng của Hà Lan theo Hiệp ước Paris, trọng tài cho rằng đúng là Hà Lan không phản đối hoặc bảo lưu khi được Hoa Kỳ thông báo về bản Hiệp ước Paris 1898, nhưng chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia không thể bị ảnh hưởng chỉ vì nước đó đã im lặng trước một Hiệp nghị đã thông báo cho họ và trong Hiệp nghị đó hình như có quyết định về một bộ phận lãnh thổ của họ.[16] Nếu đối với một danh nghĩa chưa hoàn chỉnh, chưa được việc thực hiện chủ quyền củng cố thì thái độ im lặng không phản đối có thể có một ảnh hưởng nhất định nào đó.

Về tính kế cận của đảo đối với quần đảo Philippines mà Hoa Kỳ viện ra, trọng tài cho rằng "không thể chứng minh rằng có một quy tắc pháp luật quốc tế hiện hành nói rằng các đảo ở ngoài lãnh hải của một quốc gia thuộc về quốc gia đó chỉ vì lãnh thổ của quốc gia là lục địa hay hòn đảo lớn gần nhất của các đảo đó.[17]" Nguyên tắc kế cận không được coi là một phương pháp về pháp lý để giải quyết các vấn đề chủ quyền lãnh thổ vì trọng tài viên cũng cho rằng nếu chỉ dựa vào vị trí thì không đủ cơ sở pháp lý để tiến hành một vụ kiện đòi chủ quyền đối với một vùng đất. Nếu cộng đồng quốc tế đi theo hướng lập luận này của Mỹ nó sẽ dẫn đến những kết quả giải quyết tùy tiện và không có cơ sở pháp lý.[18]

Về quan điểm Hà Lan

Trọng tài Max Huber nhận xét lập luận của Hà Lan chủ yếu dựa vào việc thực hiện hòa bình và liên tục của nhà nước Hà Lan trên đảo Palmas. Theo Pháp luật quốc tế, danh nghĩa này có ưu thế hơn danh nghĩa thụ đắc chủ quyền không có sự thực hiện thực sự quyền lực Nhà nước. Nhưng cần xem xét lập luận đó có được chứng minh rõ ràng trên thực tế hay không.

Qua các bằng chứng do Hà Lan đưa ra thì đảo Palmas đúng là lần lượt thuộc chủ quyền của hai quốc gia bản xứ trên đảo Sangi ít nhất là từ năm 1700.[19] Các quốc gia bản xứ này đã lần lượt phụ thuộc vào công ty Đông Ấn của Hà Lan, hành động nhân danh Nhà nước Hà Lan từ năm 1677 và sau đó trực tiếp phụ thuộc vào Nhà nước Hà Lan qua các thỏa thuận công nhận quyền bảo hộ của Nhà nước Hà Lan. Bản thân việc tướng Wood thấy cờ của Hà Lan trên đảo và trên chiếc tàu tiến ra gặp ông ta là chứng cứ về sự có mặt của Hà Lan trên đảo.[20]

Liên quan đến những bằng chứng về những việc thực hiện chủ quyền đối với hòn đảo – một dấu hiệu quan trọng để xác định chủ quyền, thì trọng tài lập luận rằng, đã xác định được có những hành động thực hiện quyền lực Nhà nước trên đảo Palmas của Hà Lan hoặc của chính quyền do Hà Lan bảo hộ vào những thời kì khác nhau giữa năm 1700 và năm 1898 và năm 1906 là năm nảy sinh vụ tranh chấp. Những hành động đó không nhiều và không được liên tục. Nhưng theo ông, không thể mong rằng các biểu hiện chủ quyền được thực hiện thường xuyên trên một hòn đảo xa và không có người ở, cũng không cần thiết phải thực hiện quyền lực đó từ những thời rất xa xưa và việc thể hiện chủ quyền cũng không nhất thiết phải cần một mốc thời gian bắt đầu rõ ràng.[21] Các chứng cứ liên quan đến nửa cuối thế kỷ XIX chứng minh rõ rằng Hà Lan thực sự coi đảo Palmas là một bộ phận lãnh thổ của họ và việc thực hiện quyền lực Nhà nước ở đây ngày càng tăng lên thể hiện qua việc thu thuế dân cư trên đảo và đưa quốc huy và quốc kỳ lên đảo trước năm 1898 là năm mà Hoa Kỳ nói rằng Tây Ban Nha đã chính thức chuyển giao cho mình đảo Palmas theo Hiệp ước Paris.[22] Trong khi đó không có một chứng cứ nào nói lên một biểu hiện nào của việc thực hiện chủ quyền của Tây Ban Nha hoặc của một cường quốc nào khác có giá trị cân bằng hoặc thủ tiêu các biểu hiện thực hiện chủ quyền của Hà Lan. Việc trong suốt hơn 200 năm (1700-1906) không có sự xung đột và tranh chấp nào về chủ quyền đối với đảo Palmas là một chứng cứ gián tiếp về việc thực hiện quyền lực riêng biệt của Hà Lan.[23]

Phán quyết cuối cùng

Sau khi phân tích lập luận của hai bên, trọng tài Max Huber đã tuyên đảo Palmas thuộc chủ quyền Hà Lan: "như vậy, danh nghĩa về chủ quyền của Hà Lan giành được do việc thực hiện liên tục và hòa bình quyền lực Nhà nước trong một thời gian dài – có khả năng trước năm 1700 là có giá trị. Đúng là chủ quyền đó chưa thể hiện đầy đủ nhưng một danh nghĩa chưa hoàn chỉnh dựa vào việc thực hiện quyền lực Nhà nước vẫn có giá trị hơn một danh nghĩa chưa đầy đủ dựa vào việc phát hiện một vùng lãnh thổ nhất là danh nghĩa này trong một thời gian dài không được việc chiếm hữu thực sự bổ sung thêm".[1]